35 bệnh mới tấn công thế giới

Tổ chức Y tế thế giới lo ngại 35 bệnh mới nổi 10 năm qua là vấn nạn trong tương lai. Bò điên, HIV/AIDS, SARS, cúm A/H5N1, cúm/A H1N1, tiêu chảy tán huyết do Ecoli, sốt xuất huyết, tay chân miệng... có tên trong danh sách.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh mới nổi là bệnh mới xuất hiện lần đầu hoặc có thể đã tồn tại trước đó nhưng tăng nhanh về số mắc hoặc khu vực địa lý. Trong đó một số bệnh như bò điên, HIV/AIDS, SARS, đại dịch cúm A (H5N1), cúm A(H1N1), tiêu chảy tán huyết do E.coli, sốt xuất huyết, tay chân miệng được xem là bệnh mới nổi với số ca mắc tăng cao và xảy ra tại nhiều quốc gia.

Bên cạnh đó, thập niên qua, một số bệnh mới phát sinh, chưa rõ nguyên nhân cũng được Tổ chức Y tế thế giới (WTO) ghi nhận như hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân, hội chứng suy giảm miễn dịch không phải do lây nhiễm HIV/AIDS.

Những bệnh mới nổi, không rõ nguyên nhân là thách thức đối với các nhà khoa học và ảnh hưởng lớn đối với sức khỏe người dân.

Phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương lần thứ 63 của WHO diễn ra ở Hà Nội sáng 24/9, Tiến sĩ Shin Young Soo, Giám đốc WHO tại khu vực Tây Thái Bình Dương lo ngại: "Sự xuất hiện của hơn 35 loại bệnh mới trong 10 năm trở lại đây đang là vấn nạn lớn toàn cầu". Đây cũng là lý do chương trình nghị sự kéo dài một tuần của WHO lần này sẽ dành thời gian để bàn về ảnh hưởng của các dịch bệnh mới.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO. Tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: "Trong những năm qua, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn. Các chỉ số phát triển con người vì thế cũng cao hơn so với một số quốc gia có cùng mức thu nhập bình quân tính trên đầu người".

Việt Nam cũng đã sản xuất thành công văcxin H5N1, đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Văcxin H1N1 nghiên cứu sản xuất trên quy mô phòng thí nghiệm. Văcxin sốt xuất huyết dengue đang thử nghiệm ở giai đoạn 3, hy vọng đến năm 2015 sẽ có.

Đây là lần đầu Việt Nam đăng cai tổ chức hội nghị của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương. Ảnh: Dương Ngọc.

Tiến sĩ Margaret Chan, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá: "Việt Nam đang là một trong những mô hình giảm nghèo thành công nhất thế giới. Y tế, sức khỏe được coi là một trong những thành tựu nổi bật của quốc gia này".

"Tuy nhiên, công việc của người phụ trách về chính sách y tế cộng đồng sẽ ngày càng khó hơn, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều 'cuộc chiến' mà có thể kết quả không như mong muốn", bà Chan nhấn mạnh.

Tiến sĩ Shin Young Soo cũng cho biết, ước tính mỗi năm trong khu vực có khoảng 105 triệu người phải gánh chịu những khoản chi phí lớn và hơn 70 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo do hậu quả của khám chữa bệnh mang lại. Nhiều nước trong khu vực có mức chi phí từ túi tiền người bệnh cao nhất thế giới, đòi hỏi phải có sự hợp tác về y tế giữa các quốc gia trong khu vực.

Hội nghị khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới họp định kỳ hằng năm, nhằm giải quyết các vấn đề y tế trọng điểm của khu vực. Các chủ đề chính được thảo luận năm nay gồm sự gia tăng của các bệnh không truyền nhiễm, phòng chống bạo lực và thương tích, các bệnh nhiệt đới bị lãng quên, thanh toán bệnh sởi...

Tham dự có Bộ trưởng Y tế từ 35 quốc gia và các vùng lãnh thổ trong khu vực như Singapore, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, HongKong, Trung Quốc... Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 24 đến 28/9.

Nam Phương